
Đây là nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực điều trị, dược học, các hiệp hội… tại hội thảo “Thực phẩm chức năng: Vai trò trong dự phòng, thực trạng quản lý và định hướng trong thời gian tới” do Báo Lao Động và Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế tổ chức vào ngày 30.11 tại TPHCM. Ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đại diện các uỷ ban của Quốc hội, chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo sở y tế, bệnh viện của 32 tỉnh, thành phía nam tham dự.
Tiêu thụ tại VN qua truyền miệng!
Tính đến năm 2013, Việt Nam (VN) hiện có 10.000 loại thực phẩm chức năng (TPCN) đang lưu hành tại thị trường, trong đó 40% là nhập khẩu. Hơn 10 năm nay, kể từ lúc xuất hiện các sản phẩm TPCN đầu tiên cho đến nay, người tiêu dùng VN chỉ sử dụng loại thực phẩm này chủ yếu thông qua quảng cáo, truyền miệng. Thậm chí, có cả những kênh phân phối, tư vấn của những người không có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực y tế cũng tham gia bán TPCN khiến người dân sử dụng sai và hiểu sai về TPCN.
Theo TS Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục ATTP - thị trường TPCN tại VN phát triển mạnh mẽ với số lượng gần 1.800 DN tham gia sản xuất kinh doanh TPCN và năm sau cao hơn năm trước.
![]() |
Hơn 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng đang lưu hành trên thị trường Việt Nam. |
Ông Phong cho rằng: “Việc hiểu không đúng, sản xuất không đúng, tiêu dùng không đúng đã dẫn đến những phản ứng trái chiều trong xã hội, có nơi thần thánh hoá TPCN, có nơi lại tẩy chay... Xin khẳng định, thị trường TPCN không bát nháo, tràn lan, mà đang “bùng nổ”. Nói tràn lan tức là không kiểm soát. Trong khi đó, trừ những sản phẩm nhập lậu, còn tất cả những sản phẩm chính ngạch, bất kỳ sản phẩm nào nhập vào VN đều phải công bố giấy chứng nhận, tiêu chuẩn”.
Trong lĩnh vực TPCN đã có 3 văn bản về công tác quản lý, nhưng do tình hình phát triển mạnh mẽ của loại thực phẩm này, Bộ Y tế đã giao cho Cục ATTP xây dựng một thông tư mới để đảm bảo tình hình quản lý TPCN thay cho thông tư 08/2004TT-BYT.
Xu hướng tất yếu!
Không phải ngẫu nhiên mà TPCN lại phát triển “bùng nổ” trong thời gian gần đây. Theo nhận định của PGS-TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN - đây là xu hướng tất yếu mà các nhà quản lý TPCN tại VN phải tính đến và cần xây dựng lộ trình quản lý phù hợp.
Phân tích sự “bùng nổ” của thị trường TPCN, PGS-TS Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - nói: “Do các bệnh mạn tính và ô nhiễm môi trường, người dân ngày càng có xu hướng tìm về một lối sống lành mạnh, quan tâm hơn đến các sản phẩm thiên nhiên và các biện pháp phòng bệnh. Nếu để cho bệnh xuất hiện thì chi phí lớn hơn nhiều so với phòng bệnh. Vì thế, không có lý do gì mà TPCN đứng ngoài cuộc”.
Dẫn chứng điều này, ông Truyền cho biết, 70% người dân ở Mỹ thường xuyên sử dụng TPCN để phòng bệnh. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank, 2006), thị trường TPCN ở Mỹ chiếm 35%, Châu Âu 32%, Nhật Bản 25% và phần còn lại của các nước trên thế giới là 8%. Thị trường TPCN tại Mỹ năm 2007 là 27 tỉ USD và năm 2013 được dự đoán tăng lên 90 tỉ USD. Vì thế, việc TPCN phát triển mạnh tại VN cũng là theo quy luật chung.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN - băn khoăn: “Đứng trước 10.000 sản phẩm như hiện nay, người tiêu dùng (NTD) chỉ biết tự thân tìm hiểu, thậm chí không hiểu rõ TPCN là gì; chất lượng có tốt như quảng cáo; giá bán có phản ánh đúng giá trị sản phẩm... Hiện nay, một bộ phận NTD vẫn hiểu chưa đúng về TPCN, việc sử dụng còn tùy tiện, tự phát... Thị trường TPCN “bùng nổ” thì NTD có quyền được biết thông tin và hiểu rõ về loại thực phẩm để sử dụng đúng mục đích”.
Kê toa để tránh dùng sai!
Phần thảo luận vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất, đó là: TPCN có được cho phép kê toa hay không, tại nhiều nước trên thế giới, việc nhân viên y tế kê đơn TPCN là bình thường?
PGS-TS Nguyễn Thượng Dong - nguyên Viện trưởng Viện Dược liệu TƯ - nói: “Tôi thấy người dân đang băn khoăn là TCPN có tác dụng thật hay không; trong khi Bộ Y tế không cho kê vào đơn thuốc thì càng làm NTD băn khoăn hơn”. TS Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị: “Để bảo vệ quyền lợi NTD, nên cho phép bác sĩ kê toa TPCN để những người có kiến thức chuyên môn hướng dẫn, tư vấn NTD sử dụng đúng TPCN”. Nhiều đại biểu đề nghị nên kê đơn TPCN vào y bạ, y lệnh hay đơn TPCN.
GS-TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế - thẳng thắn: “Hiện có hai luồng ý kiến: Một cho rằng cần đưa TPCN vào đơn thuốc sẽ làm tăng sự tin tưởng của bệnh nhân vào TPCN và một lại nói không nên đưa vào để tránh lạm dụng, đồng thời tránh việc tiếp thị của TPCN với bác sĩ. Chúng tôi bàn thảo rất nhiều lần trong vấn đề kê đơn. Thông tư chuẩn bị ban hành, trong dự thảo cho phép kê đơn, nhưng ghi đơn TPCN để tránh lạm dụng. Cũng quy định những đối tượng được kê đơn là phải trải qua lớp tập huấn, có chuyên môn, tránh chuyện người dân đồn thổi, truyền miệng sử dụng không đúng”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Việc sử dụng TPCN như thế nào cho đúng phải hài hòa với thông lệ quốc tế và phù hợp thực tiễn. Bộ Y tế thấy cần thiết ban hành chính sách quản lý vì đầu tiên là sức khỏe người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN phát triển”.



Bộ Y tế đề nghị Tổng LĐLĐVN cùng phối hợp kiểm tra cơ sở vi phạm ATVSTP Tại hội thảo, ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - đã đưa ra vấn đề về tình trạng công nhân bị ngộ độc ngày càng tăng và làm sao để công nhân (CN) có bữa ăn được đầy đủ dinh dưỡng hơn?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, các nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu là thực phẩm khi đưa vào sản xuất suất ăn không được kiểm tra kỹ lưỡng, bị nhiễm khuẩn; hay quá trình chế biến làm thực phẩm bị nhiễm khuẩn, gây ra nhiều vụ ngộ độc cho CN. Ngoài ra, trong quá trình vận chuyển không đảm bảo an toàn nên đây cũng là một nguyên nhân gây ra ngộ độc.
Đối với giải pháp để nâng cao dinh dưỡng cho bữa ăn CN thì cần thiết phải đưa ra một quy định về dinh dưỡng cho CN để cho các doanh nghiệp áp dụng. Tăng cường chế tài đối với các cơ sở vi phạm, nếu phát hiện sẽ có biện pháp xử lý như xử phạt, tước giấy phép, đề nghị Tổng LĐLĐVN kết hợp để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra này. |
Nhận xét
Đăng nhận xét